top of page

Là người khuyết tật thì đã sao?

Written by Zip Nguyen's father, Phu Nguyen, author of "Story of the week" (Mỗi tuần một chuyện) series


Click here to read this post in English.


Bất kỳ một ai được sinh ra trên cõi đời này cũng đều mong muốn mình là người lành lặn. Nhưng kể cả nếu bạn là người khuyết tật thì bạn cũng không có gì phải mặc cảm về bản thân và đừng bao giờ tuyệt vọng.



Bạn cần biết trước khi bạn chào đời, mẹ bạn đã phải mất trên dưới 9 tháng "mang nặng, đẻ đau". Nhưng nỗi đau lớn nhất của người mẹ là thấy đứa con rứt ruột đẻ ra của mình lại không được lành lặn, không được "như chúng bạn"! Tuy nhiên, có một sự công bằng của tạo hoá là ông Trời không bao giờ cho ai tất cả, mà cũng chẳng khi nào lấy hết mọi thứ của ai bao giờ bạn ạ. Thường những người bị khuyết tật lại là những người có những khả năng "Trời phú" mà những người bình thường khó mà có được, đó là sự nhạy cảm, là phẩm chất và đức hạnh, là sự kiên trì và bền bỉ, lòng biết ơn và tính tự trọng cao, là khả năng sinh tồn rất lớn, là khát vọng vượt lên chính mình vô cùng mãnh liệt...


Chính nhờ những phẩm chất ấy mà thế giới đã xuất hiện rất nhiều tấm gương thật đáng ngưỡng mộ về người khuyết tật. John Nash (Mỹ) là một ví dụ. Ông bị chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng cấp tính và đã chiến đấu chống lại nó, rồi trở thành nhà toán học và đoạt giải thưởng Nobel về kinh tế năm 1994. Rồi Nick Vujicic (Úc). Khi mới chào đời, anh đã không có chân tay và nhiều lúc tưởng chừng như tuyệt vọng. Tuy nhiên, bằng sự kiên cường và bền bỉ, anh đã dần khám phá ra tiềm năng của mình và trở thành người sáng lập Life Without Limbs — một tổ chức dành cho người khuyết tật. Nick Vujicic cũng là diễn giả truyền cảm hứng không chỉ đối với những người khuyết tật, mà còn tiếp thêm niềm tin và nghị lực sống cho hàng triệu người bình thường khác trên khắp hành tinh. Một điển hình nữa là Nguyễn Sơn Lâm (Việt Nam). Do di chứng từ chất độc màu da cam sau chiến tranh, anh đã bị dị tật ở hệ xương khiến chân tay mềm yếu, với một cơ thể có trọng lượng chưa đầy 27kg và chiều cao khoảng 90cm. Anh đã kiên cường, bền bỉ với nghị lực phi thường để vượt qua mọi "giới hạn", rồi trở thành người đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Phan-xi-păng — nóc nhà Đông Dương bằng nạng gỗ vào năm 2011. Anh cũng là người thi đỗ cả 2 trường đại học một lúc và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công Ty Cổ Phần Đào Tạo Và Truyền Thông Tỏa Sáng, đồng thời là một diễn giả chuyên nghiệp.


Còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương phi thường và ngời sáng về người khuyết tật mà mình không thể kể hết ở đây. Mỗi người trong số họ tuy có một hoàn cảnh khác nhau, một dị tật không như nhau nhưng lại vô cùng giống nhau là đều được yêu thương; đều có một ý chí kiên cường, bền bỉ và nỗ lực vươn lên với khát vọng sống và làm những điều có ích nhất cho đời...


Thông thường khi nói về khuyết tật, người ta hay nghĩ đến những người bị khiếm khuyết một phần bộ phận trên cơ thể; hoặc suy giảm một phần các chức năng gắn đến tinh thần, thể chất, trí tuệ, giác quan... Nhưng điều đáng thương nhất lại không nằm ở những người khuyết tật, mà chính là những người bên ngoài thì lành lặn, bên trong lại thiếu hụt, lệch lạc rất lớn về tâm hồn — Đó mới là sự khuyết tật trầm trọng nhất và bi kịch nhất...


Thế đấy bạn ạ! Nếu bạn là người bị khuyết tật thì nhất định ông Trời sẽ ban tặng cho bạn những đặc ân mà những người bình thường khác không thể có được. Bạn hãy tự tin và kiêu hãnh vượt lên chính mình. Rồi bạn sẽ thấy, chỉ cần sự hiện diện của bạn trên cõi đời này thôi thì đã là một điều kỳ diệu lắm rồi!




------------------------------


Bạn có người thân là người khuyết tật không? Bạn ủng hộ người khuyết tật như thế nào? Bản thân bạn là người khuyết tật, điều gì đã giúp bạn vươn lên và tiếp tục phấn đấu trong cuộc sống? Các bạn hãy bình luận dưới đây, hoặc đừng ngần ngại nhắn gửi tới tài khoản @bloomincrisis qua Instagram / Facebook hay email phản hồi tới địa chỉ bloomincrisis@gmail.com nhé!

bottom of page